Thay đổi cách xác định loại xe để tính giá vé BOT, ai hưởng lợi?

Đăng bởiHồng Lý vào lúc

Bộ GTVT đang lấy ý kiến sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 35/2016 quy định mức giá tối đa dịch vụ sử dụng đường bộ.

Thay vì theo tải trọng thiết kế ghi trong giấy đăng ký, giá vé từng loại xe sẽ được tính theo giấy chứng nhận đăng kiểm phương tiện.

Từ giấy đăng ký sang giấy đăng kiểm xe

Điểm mới đáng chú ý trong lần sửa đổi này, Bộ GTVT đề xuất thay đổi cách xác định loại xe để tính giá vé qua trạm thu phí.

Thay vì giá vé từng loại xe được tính theo tải trọng thiết kế phương tiện ghi trong giấy đăng ký của Bộ Công an, sẽ tính theo tải trọng hàng hóa chuyên chở cho phép tham gia giao thông ghi trong giấy chứng nhận đăng kiểm.

Đối tượng và chủ phương tiện phải nộp phí đường bộ theo từng loại xe để tính giá vé cũng được quy định cụ thể, chi tiết hơn.

Thay đổi cách xác định loại xe để tính giá vé BOT, ai hưởng lợi? 1

Dự kiến, giá vé từng loại xe qua trạm thu phí sẽ được tính theo giấy chứng nhận đăng kiểm phương tiện

Đơn cử, đối với xe loại 1, Thông tư 35 hiện nay chỉ quy định đối tượng là xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn và các loại xe buýt vận tải khách công cộng.

Dự thảo sửa đổi phân lại chi tiết theo hướng: Xe chở người dưới 12 chỗ; xe ô tô tải có khối lượng hàng hóa cho phép chuyên chở tham gia giao thông dưới 2.000kg; xe máy chuyên dùng có tham gia giao thông đường bộ, ô tô chuyên dùng có khối lượng toàn bộ cho phép tham gia giao thông dưới 3.000kg; các loại xe buýt vận tải hành khách công cộng.

Đối với xe loại 2 là xe chở người từ 12 chỗ đến 30 chỗ; xe ô tô tải có khối lượng hàng hóa cho phép chuyên chở tham gia giao thông từ 2.000kg đến dưới 4.000kg; xe máy chuyên dùng có tham gia giao thông đường bộ, xe ô tô chuyên dùng có khối lượng toàn bộ cho phép tham gia giao thông từ 3.000kg đến dưới 10.000kg.

Tương tự là với các xe loại 3, 4 và 5 cũng được quy định rất cụ thể. Lý giải điều này, ông Đinh Cao Thắng, Vụ trưởng Vụ Tài chính, Tổng cục Đường bộ VN cho hay, khối lượng của từng phương tiện áp dụng giá vé là khối lượng ghi tại giấy chứng nhận kiểm định do cơ quan đăng kiểm cấp.

Trường hợp trên giấy chứng nhận kiểm định chỉ có duy nhất một giá trị khối lượng theo thiết kế thì khối lượng của từng phương tiện áp dụng mệnh giá được áp dụng theo giá trị khối lượng theo thiết kế.

“Rất nhiều doanh nghiệp vận tải có ý kiến bày tỏ, căn cứ để tính giá vé các loại xe hiện nay theo giấy chứng nhận là chưa hợp lý. Ví dụ, một xe theo giấy chứng nhận đăng kiểm chỉ cho phép chuyên chở hàng hóa là 18 tấn, nhưng Thông tư 35 lại thu phí 20 tấn theo tải trọng thiết kế xe ghi trong giấy đăng ký xe do Bộ Công an cấp”, ông Thắng nêu.

Ai được hưởng lợi?

Là doanh nghiệp có trên 50 xe vận chuyển hàng hóa, ông Lê Văn Tiến, Giám đốc Công ty Vận tải Hà Anh cho rằng, việc thu phí theo đăng ký áp dụng thời gian qua là không hợp lý.

“Ví dụ, giấy đăng ký tải trọng thiết kế xe là 30 tấn, nhưng thực tế theo đăng kiểm chỉ được chở 28 tấn. Rõ ràng đang có sự sai lệch giữa thực tế hàng hóa được phép chở với giấy đăng ký xe. Đăng kiểm là 28 tấn thuộc loại 3 chẳng hạn nhưng lại yêu cầu phải trả giá vé xe 30 tấn (thuộc loại 4) là không hợp lý”, ông Tiến nêu.


Cũng theo ông Tiến, nhiều xe của doanh nghiệp theo giấy chứng nhận đăng kiểm thuộc loại 3 nhưng lại đang phải nộp phí xe loại 4 theo giấy đăng ký xe. Giá vé loại 4 cao hơn giá vé xe loại 3 rất nhiều nên doanh nghiệp đang phải nộp thêm khoản phí không chính đáng.

“Việc thu phí đúng theo tải trọng hàng hóa chuyên chở cho phép tham gia giao thông được ghi trên giấy chứng nhận đăng kiểm của phương tiện là hợp lý, doanh nghiệp sẽ giảm được nhiều chi phí”, ông Tiến nói.

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN Nguyễn Văn Quyền cho rằng, việc quy định thu phí theo tải trọng thiết kế hoặc khối lượng toàn bộ cả tự trọng và tải trọng thiết kế là không phù hợp.

Đứng ở góc độ chủ phương tiện hoặc người vận tải, ai cũng muốn được chở hàng hóa theo tải trọng thiết kế của phương tiện.

“Tuy nhiên, các cơ quan có thẩm quyền chỉ cho phép phương tiện chuyên chở khối lượng hàng hóa phù hợp với khả năng chịu tải của hệ thống cầu đường. Nhiều trường hợp tải trọng cho phép tham gia giao thông thấp hơn tải trọng thiết kế của phương tiện. Nếu quy định thu phí theo tải trọng thiết kế sẽ xảy ra tình trạng cơ quan Nhà nước “bắt” người sử dụng dịch vụ mua loại dịch vụ mà mình không được phép sử dụng”, ông Quyền phân tích.

Ở góc độ nhà đầu tư dự án, bà Nguyễn Thu Quỳnh, Phó giám đốc Công ty Quản lý khai thác đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng cho hay, với cách tính theo tải trọng được phép lưu thông sẽ biến động về loại xe, giá vé sẽ giảm theo và ảnh hưởng đến phương án tài chính.

“Dù chưa tính toán cụ thể vì chưa có tỷ lệ phương tiện hoán đổi số ghế hay hạ tải, nhưng việc này chắc chắn sẽ tác động đến doanh thu và phương án tài chính của dự án”, bà Quỳnh nói.

Tương tự, ông Hồ Trọng Vinh, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH thu phí tự động VETC cho hay, một số xe sẽ hạ tải dẫn đến thay đổi loại xe để tính giá vé.

Cách tính mới này sẽ ảnh hưởng đến doanh thu do giá vé sẽ giảm theo. “Cần nâng cao trách nhiệm của cơ quan đăng kiểm về tính chính xác của tải trọng hàng hóa phương tiện được phép chuyên chở, tránh trường hợp lái xe sẽ hạ tải để lách phí”, ông Vinh nêu.

Lý giải về lo lắng này, ông Đinh Cao Thắng cho hay, thay đổi này sẽ tác động đến doanh thu và phương án tài chính của dự án BOT. Tuy nhiên, để hài hòa lợi ích giữa các bên, đây là phương án tối ưu nhất.

“Tổng cục Đường bộ VN sẽ cập nhật, tính toán lại phương án tài chính của các dự án. Vì vậy, khi loại xe thay đổi, doanh thu dự án tăng hay giảm sẽ được cập nhật vào phương án tài chính”. ông Thắng nói.


Bài viết cũ Bài viết mới


Scroll To Top

Panel Tool
Float header
Float topbar
Default Boxed Large Boxed Medium
Header Default Header One Header Two Header Three